Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Công cụ pháp lý bảo vệ xã hội và con người trên in-tơ-nét
08/11/2018

 Ngày 12-6-2018, Luật An ninh mạng (Luật ANM) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2019. Trên cơ sở trình tự, thủ tục theo quy định, việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật ANM đã được triển khai nhằm bảo đảm hiệu lực thi hành.

 

Tuy nhiên, trước việc làm chính đáng và cần thiết này, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lại tiếp tục xuyên tạc, phản đối, đưa ra đòi hỏi phi lý mà thực chất là nhằm bảo vệ các hoạt động tiêu cực, chống phá trên mạng và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Sau khi tiến hành rất nhiều hoạt động để phản đối, gây sức ép nhưng vẫn không ngăn được việc Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV thông qua Luật ANM, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí vẫn chưa từ bỏ mưu đồ đen tối, tiếp tục tổ chức chống phá. Nhất là thời gian gần đây, khi sắp đến ngày 1-1-2019, thời điểm Luật ANM có hiệu lực pháp lý, các đối tượng trên càng hoạt động ráo riết với rất nhiều thủ đoạn, làn sóng phản đối, xuyên tạc Luật ANM bỗng dấy lên một cách bất thường với giọng điệu, biên độ rộng, tần số cao hơn. Đi đầu là tổ chức có tên “theo dõi nhân quyền” (AI) với việc công bố “thư ngỏ gửi các đại biểu Quốc hội Việt Nam”, trong đó đưa ra các đánh giá tùy tiện, đòi hỏi lố bịch, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Ngay sau khi “thư ngỏ” nêu trên được công bố, một số cơ quan truyền thông của phương Tây lập tức hưởng ứng bằng việc vừa đưa tin, vừa phụ họa, thêm bớt, tổ chức thảo luận, phỏng vấn. Nhưng có lẽ do quá xăng xái mà họ để lộ rõ sự bất lương, khi ngay cách đặt “tít” cho tin bài cũng đã cho thấy điều này, thí dụ: trong khi các địa chỉ khác đưa tin AI đề nghị Việt Nam “phải tôn trọng nhân quyền trong Luật ANM” (RFA), “thúc giục hoãn thi hành Luật ANM” (nguoi-viet) thì ngày 23-10-2018, BBC xưng xưng rằng “Ân xá quốc tế yêu cầu Việt Nam đình chỉ thực thi Luật ANM”. Với lối rút “tít” như thế, chỉ có thể lý giải từ hai khả năng: hoặc vì người làm trang tiếng Việt của BBC không hiểu tiếng Việt nên không phân biệt được sự khác nhau giữa “hoãn thi hành” với “đình chỉ thực thi”, hoặc cố tình xuyên tạc nhằm “tăng sức nặng” cho việc làm lố bịch của AI.

Để bảo đảm hiệu lực thi hành khi các luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ năm, ngày 12-7-2018, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 851/2018/QĐ-TTg ban hành danh mục, phân công một số cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, quy định chi tiết việc thi hành. Theo đó, Bộ Công an được phân công xây dựng ba văn bản chính trình Chính phủ gồm: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều trong Luật ANM, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Đến nay dự thảo các văn bản đã hoàn thành. Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, ngày 9-10-2018 tại cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, Trưởng Ban soạn thảo đã đánh giá: “Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ANM là những văn bản quan trọng và phức tạp, liên quan trực tiếp đến công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền của đất nước; có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành và nhận được sự quan tâm rất lớn từ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước”. Do vậy, đồng chí “yêu cầu Thường trực Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến tham gia góp ý, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo các văn bản để gửi xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Ngày 3-11-2018, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ khẳng định việc ban hành Nghị định bảo đảm an toàn, an ninh trên mạng và thông tin truyền thông là rất cần thiết, vấn đề trật tự an toàn xã hội, chủ quyền quốc gia,... luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng vẫn phải bảo đảm môi trường tốt để thu hút đầu tư. Và ngày 3-11-2018, dự thảo ba văn bản chính liên quan Luật ANM do Bộ Công an soạn thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trong thời gian hai tháng; đồng thời Bộ Công an cho biết sẽ mời một số cơ quan, tổ chức liên quan đóng góp ý kiến…

Các thông tin nêu trên cho thấy việc bảo đảm thi hành Luật ANM khi có hiệu lực pháp lý được cơ quan chức năng triển khai nghiêm túc sẽ đưa tới một tất yếu khách quan là rồi đây việc sử dụng internet (in-tơ-nét) chống phá Việt Nam sẽ phải đối diện với pháp luật, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật. Vì thế, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí càng lớn tiếng la lối, vu khống, xuyên tạc, yêu cầu… để gây ngộ nhận rằng Luật ANM của Việt Nam là “siết chặt kiểm soát, xâm phạm quyền con người, xâm phạm quyền riêng tư, xâm phạm tự do ngôn luận, tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế…”. Họ cố gắng làm cho những ai không nắm được bản chất vấn đề và không khảo sát trên diện rộng sẽ lầm tưởng chỉ Việt Nam mới có Luật ANM, mà không biết đến nay trên thế giới có 138 quốc gia, trong đó có 95 nước đang phát triển, đã ban hành Luật ANM (với một số điều luật khắt khe, mức xử phạt rất cao), coi đó là cơ sở pháp lý để bảo vệ an ninh quốc gia trên internet.

Một trong các “cơ sở” để những người phản đối Luật ANM của Việt Nam đưa ra là dẫn lại số liệu của ECIPE (Trung tâm Nghiên cứu kinh tế chính trị châu Âu) cho rằng “việc địa phương hóa dữ liệu sẽ khiến GDP Việt Nam giảm 1,7% và đầu tư nước ngoài giảm 3,1%”. Tuy nhiên, theo Trung tướng, PGS, TS Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng An ninh mạng (Bộ Công an), thì số liệu đó được trích từ báo cáo của ECIPE công bố tháng 3-2014, dựa trên các kịch bản tiêu cực nhất. Báo cáo này cũng đề cập, đưa ra dự báo tương tự với Liên hiệp châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Bra-xin… song thực tế đã chứng minh ngược lại. Thí dụ năm 2015, một năm sau khi ECIPE công bố nhận định nêu trên, GDP Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm, hiện vẫn duy trì tăng trưởng rất ấn tượng. Và cần nhấn mạnh rằng, Luật ANM góp phần quan trọng tạo điều kiện để xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, có trách nhiệm. Vì không thể chấp nhận tình trạng: trong khi các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp của Việt Nam phải chấp hành các quy định, điều chỉnh của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, phải bảo đảm trách nhiệm với an ninh, trật tự công cộng, văn hóa, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục khi tham gia hoạt động báo chí điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội,... thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam hầu như không chịu bất cứ ràng buộc nào.

Với tư cách văn bản luật pháp có vai trò “quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”, Luật ANM đề cập các vấn đề an ninh trên bình diện rộng đã và đang tạo dựng một môi trường hoạt động hết sức quan trọng của xã hội, con người ở thời hiện đại, đó là các hoạt động trên internet. Và khi mà trên thế giới và ở các quốc gia xuất hiện rất nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng internet, biến internet thành công cụ thực hiện các mưu đồ xấu trong kinh tế, chính trị, văn hóa,… tạo ra các nguy cơ có thể tác động trực tiếp tới an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì việc bảo vệ an ninh mạng trở thành yêu cầu luật pháp tất yếu. Ngày nay, nguy cơ từ internet có thể khởi phát nhiều vấn đề hệ trọng, từ tình huống nguy hiểm (như năm 2013, ông Chuck Hagel - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, đã nói: “Những cuộc xung đột trên mạng có thể dẫn tới hậu quả âm ỉ, lặng lẽ song rất nguy hiểm, từ việc đánh sập lưới điện cho tới phá hoại hệ thống tài chính hoặc vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ. Đây không phải là mối đe dọa đối với riêng nước Mỹ, mà còn ảnh hưởng tới tất cả các nước khác”) đến các hiện tượng diễn ra hằng ngày trên khắp thế giới, như: vu khống, vu cáo các chính phủ; vu khống, vu cáo các tổ chức và cá nhân; tuyên truyền luận điệu thù địch nhằm tác động tiêu cực, phá hoại một chế độ xã hội, phá hoại nền kinh tế ở một quốc gia; kỳ thị và kích động thù hận dân tộc; kỳ thị và kích động thù hận tôn giáo; kỳ thị giới tính; hướng dẫn chế tạo vũ khí, kích động bạo lực; tuyển mộ thành viên cho tổ chức khủng bố; tiến công ngân hàng để ăn cắp tiền bạc; lừa đảo, dối trá, tung tin giả; đánh cắp dữ liệu cá nhân; đánh bạc và tổ chức đánh bạc; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buôn bán hàng giả, hàng cấm; mua bán người, đặc biệt là mua bán trẻ em; tổ chức mại dâm, đặc biệt là dụ dỗ, lừa gạt trẻ em hoạt động mại dâm; gieo rắc lối sống vô chính phủ, chạy theo lạc thú, lơ là trách nhiệm xã hội; gieo rắc sản phẩm phi văn hóa, làm băng hoại truyền thống văn hóa ở các quốc gia… Đó là các hành vi vi phạm pháp luật, nếu xảy ra trong cuộc sống thực ở bất cứ quốc gia nào cũng bị sẽ bị xử lý theo luật pháp, và hiển nhiên nếu những hành vi đó thực hiện trên “thế giới ảo” thì cũng phải xử lý theo luật pháp.

Một câu hỏi cần đặt ra là: Tại sao từ khi Luật ANM được Quốc hội thông qua đến nay, trong khi hàng chục triệu người sử dụng internet ở Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam,… không lên tiếng phản đối, thậm chí họ hy vọng Luật ANM và văn bản hướng dẫn thi hành Luật ANM sớm được triển khai có hiệu quả, thì chỉ có mấy “nhà dân chủ, người yêu nước” và các thế lực thù địch, thiếu thiện chí vốn vẫn tồn tại như “thế lực chống lưng” cho họ là la lối, rùm beng? Câu trả lời rất đơn giản: Hàng chục triệu người sử dụng internet và các doanh nghiệp đã nhận thức rằng Luật ANM chính là cơ sở pháp luật bảo vệ họ; còn các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, mấy “nhà dân chủ, người yêu nước” phản ứng vì với Luật ANM, mọi hành vi chống phá, truyền bá luận điệu sai trái, hô hào biểu tình bất hợp pháp, đưa tin giả lừa dối dư luận, xuyên tạc và vu cáo chính quyền, ca ngợi và cổ vũ cho “cờ vàng”... sẽ đứng trước nguy cơ phải đối diện với pháp luật. Vì thế, dù rất hiểu rõ vấn đề nhưng họ vẫn lớn tiếng tiếp tục lừa dối, bịa đặt và vu khống, bất chấp nguyên tắc bất di bất dịch là luật pháp ra đời để bảo vệ xã hội, bảo vệ con người và luật pháp không phải là công cụ phục vụ, phải chiều theo đòi hỏi của một nhóm nhỏ tồn tại theo xu hướng coi thường luật pháp, đạp lên trên luật pháp để gây nhiễu loạn đời sống tinh thần, chống phá xã hội và con người, cản trở sự phát triển của đất nước.

theo Mic.gov.vn
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.325.859
Hiện tại 1.298 khách