Xuất bản điện tử - xu thế mới của hoạt động xuất bản
Ở các quốc gia mà thị trường sách điện tử có doanh số hàng trăm triệu bảng, hoặc đô la Mỹ hằng năm như ở Anh, Mỹ, Canada… thì số lượng nhà xuất bản điện tử cũng không vượt quá con số 10 trên một quốc gia, như Inkling Habitat, Smashword, Publishing Technology, Amazon Publishing House… Các nhà xuất bản này đều có xuất phát điểm chung là từ một công ty công nghệ "lấn sân" sang thị trường sách điện tử vốn giàu tiềm năng. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường sách điện tử ở các quốc gia này được lý giải qua mô hình tự xuất bản (self publishing). Nhu cầu đó lại được hỗ trợ dựa trên nền tảng công nghệ của những thương hiệu lớn như Apple hay Amazon. Ở đó, tác giả sẽ được hưởng từ 60 đến 85% giá bán tác phẩm trên một lần tải.
Tương tự, ở Việt Nam, sự xuất hiện của Alezaa, Lạc Việt, FPT, Viettel, Tinh Vân, … là minh chứng cho xu thế trên. Họ không phải là nhà xuất bản đúng nghĩa, không sở hữu nội dung hay bản quyền tác phẩm mà đơn giản chỉ là cung cấp các giải pháp về mặt công nghệ để độc giả có thể đọc trực tuyến, tải về máy tính, máy tính bảng, smartphone những cuốn sách mà họ cần với một mức phí chỉ bằng 10-30% sách in. Đối với tác giả và các nhà xuất bản truyền thống, đây có thể là lời giải cho bài toán về hàng tồn kho, chi phí vận chuyển và in ấn.
Xu thế chung đối với các tập đoàn xuất bản lớn trên thế giới và kể cả những nhà xuất bản nhỏ, mỗi năm phát hành đôi ba chục đầu sách, là sự kết hợp giữa sách in và sách điện tử. Random House, Harper Collin, Oxfam Publishing, Nosy Crow… đều có công ty con chuyên về sách định dạng kỹ thuật số. Các công ty này có trách nhiệm số hóa toàn bộ những cuốn sách đã xuất bản và triển khai tiếp thị, kinh doanh trên môi trường mạng. Ở Việt Nam, dự án sách điện tử của nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, nhà xuất bản Giáo dục, của nhà xuất bản Trẻ, nhà xuất bản Thông tấn, của Alphabooks,… cũng nằm trong dòng chảy đó. Ở Trung Quốc, theo số liệu thống kê có tới 522/580 (năm 2010) nhà xuất bản triển khai sách điện tử. Còn những thương hiệu nổi tiếng chuyên bán sách điện tử hay đọc sách trực tuyến có thu phí như Hồng Tụ, Tấn Giang… thì đều là các công ty công nghệ. Tại Thái Lan, thương hiệu Ookbee - chuyên cung cấp xuất bản định dạng kỹ thuật số - cũng thuộc tập đoàn công nghệ ITWORK.
Hoạt động xuất bản điện tử ở Việt Nam sẽ phát triển nhanh
Mặc dù hiện nay ở nước ta chưa có nhà xuất bản chuyên xuất bản sách điện tử (hiện nay, Việt Nam chủ yếu là các nhà phân phối, đại lý sách điện tử) nhưng dự báo trong tương lai, trước tốc độ phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin và tính chuyên môn hóa trong xuất bản sách điện tử ngày càng cao thì việc thành lập nhà xuất bản điện tử là điều tất yếu.
Qua số liệu thống kê, ở Việt Nam, năm 2011 số thuê bao di động vẫn tiếp tục tăng trưởng với trên 127 triệu thuê bao, số thuê bao băng rộng 3G đã đạt con số 16 triệu thuê bao chiếm khoảng 12% tổng số thuê bao di động. Như vậy, có thể nhận thấy cơ hội phát triển của sách điện tử trực tuyến ngày càng được củng cố. Hiện nay, thị trường sách điện tử ở Việt Nam gồm phân phối trực tuyến và bán sách điện tử vẫn còn rất khiêm tốn, trong khi mảng sách in vẫn còn phát triển mạnh nên cán cân thị phần đang nghiêng hẳn về sách in. Mặc dù chưa có một số liệu thống kê cụ thể về thị phần của hai loại sách này, tuy nhiên, với khả năng kết nối vô hạn của kỹ thuật số cũng như việc bùng nổ kết nối trực tuyến với các mạng xã hội, rất có thể sẽ xảy ra hiện tượng lội ngược dòng về việc phân chia lại thị phần trong 5 - 10 năm tới.
Thực tiễn vừa qua cho thấy, sự phát triển của sách điện tử ở Việt Nam sau một quá trình tự phát và kinh doanh nhỏ lẻ nay đã hướng đến việc nâng tầm và chuyên môn hóa. Minh chứng là ngoài các đơn vị như Vinabook.com và Công ty Lạc Việt, Công ty Vinapo cũng đã giới thiệu Hệ thống phân phối sách điện tử toàn cầu Alezaa do Vinapo xây dựng.
Trong một cuộc hội thảo về hoạt động xuất bản điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, đại diện Công ty Fahasa cho biết sách điện tử có rất nhiều lợi thế: Đối với tác giả, họ không phải lo lắng về chi phí xuất bản và số lượng in ấn, không phải thuê gian hàng, tốn chi phí vận chuyển. Đối với độc giả, nội dung sách đa dạng, giá cả phải chăng, lại có nhiều thiết bị giúp họ đọc sách thoải mái như đọc sách in. Vì thế, trong một tương lai gần, thị trường sách điện tử sẽ rất sôi động ở Việt Nam. Tuy nhiên, do thị trường sách điện tử còn khá mới mẻ nên khó khăn lớn nhất chính là vấn đề thương thảo hợp đồng mua bán bản quyền với những điều khoản về nội dung số giữa đối tác giữ bản quyền và công ty phân phối sách. Ngoài ra, nhiều khách hàng vẫn chưa quen với thiết bị hỗ trợ đọc, trong khi các thiết bị này lại có mức giá khá cao so với thu nhập của khách hàng có độ tuổi từ 20-35.
Chế định quản lý
Theo Luật Xuất bản năm 2012, các nhà xuất bản đang hoạt động và các nhà xuất bản sẽ thành lập nếu đáp ứng các điều kiện Luật định được hoạt động điện tử. Cũng như hoạt động xuất bản truyền thống, khi hoạt động xuất bản điện tử, các nhà xuất bản cũng sẽ được liên kết với tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để làm sách điện tử. Như vậy, với 64 nhà xuất bản hiện nay và hàng trăm đối tác liên kết là các nhà phát hành, các công ty truyền thông, công nghệ thông tin thì sắp tới đây hoạt động xuất bản điện tử sẽ có sự phát triển nhanh và đa dạng.
Tuy nhiên, khi thực hiện phương thức xuất bản điện tử, Luật Xuất bản năm 2012 cũng đưa ra quy định là ngoài việc phải có giấy phép hoạt động xuất bản, nhà xuất bản còn phải có đủ các điều kiện như: Có năng lực về thiết bị, công nghệ và nhân lực kỹ thuật để điều hành và quản lý trong quá trình xuất bản xuất bản phẩm điện tử; có biện pháp kỹ thuật phù hợp với quy định của cơ quan quản lý nhà nước để chống sao chép, can thiệp bất hợp pháp vào nội dung xuất bản phẩm; khi thực hiện xuất bản điện tử trên Internet thì phải có tên miền Internet Việt Nam theo quy định của pháp luật; có đăng ký hoạt động xuất bản điện tử với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
Trong quá trình thực hiện xuất bản điện tử, nhà xuất bản và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm bảo đảm nội dung của xuất bản phẩm điện tử đúng với nội dung của xuất bản phẩm nộp lưu chiểu và phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc can thiệp vào nội dung xuất bản phẩm hoặc loại bỏ xuất bản phẩm trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Riêng về quảng cáo trên xuất bản phẩm điện tử, Luật quy định không được quảng cáo lẫn vào phần nội dung dưới mọi hình thức. Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ mạng cũng phải thực hiện đúng quy định về sở hữu trí tuệ khi đăng tải xuất bản phẩm. Ngoài ra, Luật còn có các quy định về kỹ thuật, công nghệ để xuất bản điện tử, nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử và xử lý vi phạm./.