Theo đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài có mức vốn dưới 15 tỷ đồng phải được thẩm tra nhưng không phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; từ 15 tỷ đồng trở lên phải trình Thủ tướng quyết định.
Cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm tra của Sở Thông tin và Truyền thông đối với các dự án đầu tư cung ứng dịch vụ bưu chính trên phạm vi nội tỉnh hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông với các dự án đầu tư cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi liên tỉnh, quốc tế.
Khi chuyển nhượng vốn, dự án, tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện dự án, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thanh lý dự án đầu tư hoặc có các điều chỉnh khác phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư và báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về bưu chính để xem xét.
Nghị định cũng quy định cụ thể về giấy phép bưu chính và văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính về điều kiện và khả năng tài chính: Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỷ đồng Việt Nam; Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam.
Nghị định dành riêng một chương quy định về Tem Bưu chính, nhập khẩu tem bưu chính, quy hoạch đề tài tem bưu chính Việt Nam, lưu trữ tem bưu chính...
Ngoài ra Nghị định còn quy định về bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính với nguyên tắc:
- Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Không bồi thường thiệt hại gián tiếp ngoài hợp đồng hoặc các nguồn lợi không thu được do việc cung ứng dịch vụ bưu chính không bảo đảm chất lượng mà hai bên đã thỏa thuận. Bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc tráo đổi toàn bộ thì được bồi thường theo quy định đối với từng loại dịch vụ.
Mức bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp quy định không thấp hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường của từng loại dịch vụ theo quy định tại Điều 25 của Nghị định; Không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau: Dịch vụ bưu chính không có chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi; Người sử dụng dịch vụ không có chứng từ chứng minh việc sử dụng dịch vụ.Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được quy định không quá 30 ngày kể từ ngày các bên lập văn bản xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Quá thời hạn bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều này thì bên phải bồi thường thiệt hại còn phải trả tiền lãi chậm thanh toán theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2011. Nghị định số 157/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về bưu chính, Nghị định số 128/2007/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2007 về dịch vụ chuyển phát và các quy định về bưu chính trong Nghị định số 121/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2008 về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông hết hiệu lực từ 15/8/2011.